Từ lâu, nhân dân ta thường sử dụng bồ hòn để giặt và tẩy quần áo. Đây cũng là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng tiêu đờm, sát trùng rất hiệu quả.
Trong thịt quả bồ hòn có chứa 18% saponizit hay còn gọi là sapindus saponozit C41H61O13– Sapindus saponin. Các saponin trong dược liệu đều có dược tính mạnh như Sapindosid A, B, E, E1, C, Y2, X, Y,… Ngoài ra hạt bồ hòn còn chứa 9 – 10% dầu béo.
Saponin trong thịt quả bồ hòn có đặc tính tạo bọt, kháng khuẩn, không độc hại và thân thiện với môi trường. Vì vậy, nước bồ hòn từ lâu đã được ứng dụng để giặt giũ, tắm gội, dùng như chất tẩy trắng, đánh bóng đồ trang sức hoặc dùng để chống sâu bọ, côn trùng… Đặc biệt, nó có hiệu quả rất tốt trong trường hợp giặt đồ len, lụa vì các đồ này thường không chịu được độ kiềm của xà phòng. Có nhiều cách để làm nước bồ hòn nhưng đơn giản nhất là ngâm thịt quả bồ hòn khô, khoảng 10 quả cho 1 lít nước, sau đó đun sôi và ninh nhỏ lửa, tiếp đến để qua đêm rồi lọc lấy nước bồ hòn sử dụng. Bên cạnh đó, người ta còn có thể nghiền bồ hòn thành bột hoặc ủ enzyme để tiện cho việc sử dụng và bảo quản.
Nước sắc từ thịt quả bồ hòn có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch, làm tan máu bầm, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh đường lý hô hấp như viêm amidan, đau họng, ho gà, viêm phế quản, viêm phổi… Theo y học dân gian, người dân Ấn Độ thường dùng vỏ quả bồ hòn trộn với mật ong rồi làm thành viên hoàn để hỗ trợ điều trị viêm phổi. Ngoài ra, quả bồ hòn còn có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề da liễu. Người ta thường lấy vỏ quả bồ hòn tán nhỏ thành bột nhão rồi bôi lên các vết côn trùng đốt, trị ghẻ, lở, nấm da. Gội đầu bằng nước bồ hòn cũng giúp giảm gàu và nấm tóc. Dùng nước bồ hòn như sữa rửa mặt cũng hỗ trợ trị mụn nhờ đặc tính kháng khuẩn của các thành phần trong thịt quả.